RẮN

31/03/2012 09:24

 

Ở một cõi hoang vu, loài rắn rít được trú ẩn rất nhiều. Rắn càng nhiều càng đáng ghê sợ. Rắn hỗ mang vô số. Lúc mặt trời vừa lặn, hoàng hôn rũ xuống cánh đồng, chim về tổ, về sân thì loài rắn lại bò ra kiếm ăn. Người dân ở Đồng Tháp Mười biết rõ điều ấy, nên lúc chạng vạng tối. Ít ai đi đâu vì sợ rắn hổ. Nhưng khi sương xuống nhiều, trong lúc trời về khuya thì rắn lại kiếm chỗ ẩn mình. Nó có thể chui vào mùng chiếu nhà cửa của người ta mà núp sương. Rắn hổ rất sợ sương vì sương làm cho nó cứng mình. Dân Đồng Tháp ngủ mùng rất cẩn thận. Họ trải một chiếc đệm dưới trước rồi giăng mùng, sau khi giăng mùng còn trải chiếu lên trên, tấn mí mùng cho kỹ, rồi tấn thêm cây tràm bốn phía. Vậy mà nhiều khi nghe cồm cộm, có rắn chui dưới chiếu.

Có nhiều con rắn hổ rất to và có rất nhiều nọc độc. Nó có thể thở ra hơi độc làm cho người ta bị phù mình. Người ta thuật lại: có lần thấy con rắn hổ to chiến đấu với một con chuột cống nhum. Giống chuột này dữ hơn mọi loài chuột khác. Rắn hổ không thắng nổi chuột cống, rắn bị chuột cống cắn trầy mình, nhức nhối phải giảng hòa sau khi cắn nhau cả đêm. Chuột bị rắn hổ cắn, thấm mệt thì đi kiếm cỏ lác, món thuốc trừ nọc của nó, ăn rồi khỏe lại chiến đấu nữa, đến lúc rắn hổ bò đi mới thôi.

Có loại rắn hổ mây, rắn dữ, bò lẹ và rất lớn. Nó bò trên ngọn cây như bay và khó mà chạy khỏi nó được. Vì đó, nếu lỡ gặp “ông mây” thì phải liều sinh tử với nó. Người ta nói chuyện lại: có hai cha con đi dọn sòng tát đìa gặp rắn hổ mây. Rắn rất to cất cao lên mổ xuống. Người cha tỉnh trí và khôn ngoan: khi con rắn cất cổ lên cong cái đầu lên trên chừng ba thước bề cao để mổ, người cha đợi nó mổ xuống vừa sát vào mình nó, vừa quất một cây vào đầu nó. Con rắn càng giận dữ càng cất cổ cao mổ xuống. Người cha cứ thế ấy đánh con rắn mãi trong khi đứa con đứng ngoài dùng cây đánh tiếp cha cho đến khi con rắn quị. Họ kinh nghiệm cái thế mổ của con rắn, nên lúc nào họ đi rừng có rắn hổ mây cũng đem theo cái mác cán dài rất bén, cầm tay và chống một cái nạng. Rủi gặp rắn hổ mây rượt mổ thì cái nạng vừa chỏi lên, cái mác chém mạnh qua, giết rắn, mới xong chớ không thể nào chạy khỏi nó.

Một huyền thoại về rắn hổ mây ở rừng Cà Mâu mà mấy người kháng chiến Pháp thuật lại. Họ nói ở rừng cà Mâu có chỗ gọi là “Cây đôi” vì nó giống như hai cây mọc gần nhau. Nhưng thật sự là một cây và một cái hình rắn hổ mây bằng nhau. Ở xa thấy như hai thân cây. Con rắn to quá làm biếng đi ngoéo cái đuôi trên nhành cây cao, thòng mình ngay xuống, để cái đầu hoạt động. Con vật hay người đi ngang qua, rắn nuốt hết... Một tiểu đội trang bị vừa lựu đạn vùa súng, chiến đấu với con rắn một buổi trời mới hạ được nó. Mổ con rắn ra thấy xương người, xương vật, sọ, tóc và cả nón sắt nữa, mỡ của nó thắng được mấy thùng dầu.

Miền Đồng Tháp nhiều rắn lắm, đủ các giống: hổ mang, mai gầm, lửa hổ, rắn lục.... Có con rắn hổ dài ba, bốn thước, lướt như bay trên cỏ, đuổi kịp ngựa là thường: loài ấy dữ nhất, có tên là hổ ngựa.

Người ta kể truyện một ông già kiếm củi ở miền Mộc Hóa thấy một con rắn đầu quấn vào một thân cây, cây ở đầu bên này cái bưng nhỏ, đuôi quấn vào một thân cây khác ở bờ bên kia, rồi văng mình qua bên mặt, bên trái để tát nước trong bưng. Chỉ một lát bưng cạn, chú ta bò xuống bắt hết nhẵn cá, ăn một bữa no nê.

Mỗi năm làng nào cũng có năm sáu người bị rắn cắn, nhưng phần nhiều tìm được thứ thuốc chữa kịp. Xóm nào cũng có người biết thuốc trị rắn. Lâu lắm mới nghe tin có người chết.

ST.PHƯƠNG VY